Cát đâu ai bốc tung trời?
Sóng sông ai vỗ
Cây đồi ai rung?
Phải rằng vì gió hay không?
Trêu ai
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?
Những mối tình:
– Những mối tình ít nhiều gắn liền với cái ấp Mê Thảo, một ngôi làng ven sông bình yên với nghề dệt lụa bán cho thương buôn. Cậu chủ ấp như “vua một cõi”, đã từng là một người lo cho đời sống của dân làng, đầy đủ, hạnh phúc và văn minh không kém ai. Và rồi lụy tình, luỵ cả cuộc đời bao người …
– Mối tình thứ nhất : mối tình đơn phương và câm lặng của Cam, một cô gái câm, dành cho cậu chủ. Mối tình câm được sinh ra và lớn lên trong lòng cô gái từ khi nào,
không rõ; có lẽ từ những tháng ngày một đứa trẻ mồ côi được sống trong sự nuôi dưỡng của gia đình cậu chủ. Tình cảm dồn nén ắt cũng phải đến lúc sinh ra khát khao
được thổ lộ. Nhưng trời ơi làm sao cô thốt ra lời, có cố chăng cũng chỉ là ánh mắt đau đáu rồi lăn tròn thành những giọt nước mắt. Ánh mắt đi theo cậu chủ mỗi khi cậu về ấp, ánh mắt đi theo người để không ít lần cô chểnh mảng việc nhà, té dúi dụi trước sân, sau bếp, ánh mắt lần theo hình bóng cậu chủ như mọi lần cậu vẫn từng ngồi xem hát với dân làng … nhất là ánh mắt trong cái ngày mợ chủ sắp về Mê Thảo… Rồi một người không về, để một người nhớ thương, trăm người sầu khổ. Im lặng, không, câm lặng, cô Cam vẫn dõi theo từng bước người mình thương đang đắm chìm trong bi lụy. Làm sao thốt lên lời an ủi, làm sao thấy lại niềm vui của cậu chủ, làm sao đẩy cậu ra khỏi mê muội. Cô chỉ biết chui mình vào người rơm để một lần được vuốt ve an ủi; chỉ có thể ráng nhai trầu cho đỏ môi, gắn bông hoa sứ lên vành tai hòng để cậu vui trong bữa ăn; đập bỏ, phá bỏ mọi thứ đã làm cậu nhớ thương người xưa cũ. Ôi, sao tàn nhẫn khi đáp lại chỉ là sự ảo tưởng tân nương sống lại, là tràng cười như thể nhìn thấy một con hề, là nỗi đau tột cùng khi chứng kiến cảnh cậu trong mỗi đêm mưa, là sự trừng phạt bỏ cô vào rọ quẳng xuống sông. Chính người cô thương đã phá vỡ giấc mơ thầm lặng của cô, giấc mơ được một lần trong đời mặc áo dài cưới, hạnh phúc sánh đôi bên người mình thương. Chỉ là mơ thôi cũng không được. Đó là tình yêu chăng, không, chỉ là mối tình đơn phương. Yêu như thế thì đau lắm, vì biết chắc mãi mãi tình yêu không được đáp lại. Mà Cam vẫn yêu, mê muội (?)
– Mối tình thứ hai : mối tình vô vọng của cậu chủ ấp Mê Thảo, thầy Nguyễn, dành cho người vợ đã mất. Cũng chưa là vợ, chỉ là hai người yêu nhau đang hân hoan chờ đợi ngày cưới. Mợ chủ tương lai thích gốc cây nào, thầy đem hết về nhà chưng hết, như là niềm hành diện mỗi khi khách ghé thăm. Mợ chủ tuổi Tí, thầy khắc một con chuột đá để ngày ngày nhìn ngắm. Mợ thích cây hoa gạo, thầy bứng cây về trồng trước đình. Mỗi món quà dành cho mợ đều là dồn hết tình cảm và công sức của thầy, thầy muốn mợ phải luôn được cái duy nhất, đẹp nhất. Đối với thầy, không thợ ảnh nào đủ khả năng thể hiện đúng cái đẹp của mợ, tất cả ảnh phải đốt hết vì chỉ có mợ ngoài đời hay chính trong lòng thầy mới đẹp nhất mà thôi. Ác nghiệt thay, chính món quà cưới, xe hơi – sản phẩm của văn minh, đã cướp mợ ra khỏi cuộc đời thầy. À mà không, với thầy thì mợ vẫn còn đó. Mợ sống lại trong hình nhân rơm mỗi tối thầy khóc than, mợ sống trong con chuột đá cậu rớt nước mắt đặt môi hôn, mợ như bằng xương bằng thịt trong tượng gỗ thầy ân ái. Thật không tưởng tượng nỗi, tình yêu làm con người ta ra thế. Tất cả đồ đạc văn minh trong làng bị đốt bỏ hết, khách đến làng đặt hết những gì của văn minh ngoài cổng làng hết. Thầy không chấp nhận bất kể thứ gì của văn minh, nguyên do đã giết đi người vợ yêu của mình. Nàng phải sống lại trong đêm nay, thầy đốt đèn trời cầu nguyện, và đèn đã cháy … Thầy vẫn sống mãi với ảo tưởng như thế. Mối tình điên (?)
– Mối tình thứ ba: tình yêu giữa thầy đàn Tam và cô Tơ hát ả đào. Đây đúng thực là tình yêu vì tồn tại tình cảm giữa hai con người dành riêng cho nhau. Nhưng tình yêu đó lại bị chia rẽ bởi chữ hiếu thành ra nó là tình yêu vụng trộm. Rồi họ xa nhau vì số phận, giữ lại trong nhau hình bóng tình yêu qua tiếng đàn, lời ca. Xa Hà Nội, sống tại Mê Thảo nhưng lòng thầy Tam lúc nào cũng mong ngóng về người xưa. Cô Tơ thắp nhang khẩn xin người chồng bỏ lời nguyền cho người xưa. Thời gian có dài, cũng không tắt được tình yêu và tình tri kỷ trong họ. Tiếng hát thổn thức, từng tiếng thoát ra như nỗi lòng bao lâu bị dồn nén dành cho người thương. Khoảnh khắc sắp xa nhau được biết trước. Càng lúc, tiếng đàn càng rộn lên, tiếng đàn của người mong một lần được hoà quyện cùng em, một lần được đắm mình trong âm thanh còn hơn chết trong mục rỉ. Tiếng hát hoà theo tiếng đàn, càng lúc càng nhanh, càng lúc như lồng vào nhau như hai tâm hồn của một tình yêu. Thôi chàng về núi mờ xa, nhận em một lạy … Rồi nấc nghẹn, nước mắt trào, đôi bàn tay đàn tài hoa đã rướm máu. Nếu không phải lời nguyền thì chắc hẳn người cũng chết vì thỏa nguyện được báo đáp ơn và được ra đi trong tiếng hát và tình yêu.
Xin chỉ nói về những mối tình theo ý hiểu của tui vì tình yêu trong phim buồn quá, yêu nhau mà không ai đến được với nhau. Trong phim còn có nhiều cái quý giá hơn mà tui sẽ tiếc lắm nếu không đi xem. Lần đầu tiên tui thấy con tằm (quê ghê), lần đầu tiên tui biết thả đèn trời là sao (bạn tui hỏi phải giống đèn Khổng Minh không? tui thua). Cảnh Mê Thảo đẹp, không ngờ là giờ còn cảnh như vậy. Đặc biệt là được nghe ca trù và giờ mới hiểu sao ngày xưa người ta nghe ca trù và có những ngưòi tri âm tri kỷ qua lời ca tiếng đàn. Biết được thầy Tam đàn cây đàn gọi là đàn Đáy, cô Tơ hát và gõ phách, thầy Nguyễn gõ trống chầu đệm. Có lẽ nhờ tình tiết trong phim, nên “biết” một cách tự nhiên về ca trù (không như bị ép phải nghe). Đặc biệt là cảnh đàn ca giữa thầy Tam và cô Tơ, chỉ rặt một tiếng đàn, giọng hát. Nhắm mắt mà nghe như trong một buổi ca trù, mở mắt mà nhìn thì cảm nhận được tình cảm của nhân vật lúc đó. Đến lúc này vẫn như còn nghe tiếng rung lên, không biết dùng từ gì chính xác, của giây phút đưọc nghe đàn hát hoà quyện càng lúc càng lên cao như vậy. Ánh mắt, tiếng hát nấc nghẹn của cô Tơ và ngón tay đàn thầy Tam thiệt là đúng ý mình quá nếu đặt thử mình nằm trong hoàn cảnh đó. Phim còn mở ra một bức tranh về một góc xã hội thời Pháp bắt đầu “khai sáng” nước mình. Bóng tối luôn dẫn đến địa ngục nhưng không phải ánh sáng nào cũng dẫn đến thiên đường. Chối bỏ sản phẩm văn minh, quay ngược bánh xe thời gian dẫn người dân xuống đời sống lạc hậu nhưng đường xe lửa bắt ngang, ánh đèn điện, tiếng máy hát không phải luôn cho dân ta đến một cuộc sống tốt hơn. Tất cả đều ở bản thân mình, mọi mê muội đều dẫn đến điều không tốt.
2003-2023