Điểm yếu của Hoạt hình Việt Nam
“Thiếu kinh phí” có phải là vấn đề chính?
Hoạt hình Việt Nam (HHVN)? Nhắc tới những chữ này mà Shmocker không khỏi lắc đầu thở dài. Vài năm trước đây thì có thể đổ lỗi cho thiếu kinh phí, thiếu đầu tư. Nhưng có thật hoạt hình VN không bắt mắt, không hấp dẫn là do vấn đề “đầu tiên” hay không với những kĩ thuật tiên tiến cho phép giảm đáng kể kinh phí sản xuất hiện nay? Theo Shmocker, vấn đề với hoạt hình VN không phải là tiền hay kĩ thuật, mà là ở những người làm Hoạt hình Việt Nam .
HHVN trứơc nay bị phê phán là “giáo điều”, quá chú trọng mặt giáo dục tư tưởng cho người xem, mà quên đi tầm quan trọng của sức hấp dẫn. Làm sao có thể chuyển tải được bài học bổ ích cho người xem khi không thể cuốn hút họ xem hết phim? Nhiều lần Shmocker tự nhủ mình là người VN nên ủng hộ phim nhà, nhưng thật tình hiếm khi chịu đựng nổi 5 phút. Cách vẻ thường khá cẩu thả, thôi đành thông cảm các nhà làm HHVN trước đây thiếu kinh phí không thể chăm chút kĩ lưỡng từng khung hình được. Nhưng giờ đây, với những kĩ thuật mới (nhất là 3D), Shmocker cứ hi vọng VN mình sẽ có những bộ phim HH khá hơn. Nhưng thực tế xem ra không được như vậy. Bởi lẽ các nhà làm phim HHVN, nay tuy có thể nói đã khắc phục được nhược điểm “hình thức” trước đây, vẫn chưa thoát khỏi điểm yếu “nội dung” mãn tính.
Vấn đề kịch bản có lẽ là một căn bệnh trầm kha của điện ảnh VN nói chung và hoạt hình VN nói riêng. Kịch bản hoạt hình, do đối tượng chính là trẻ em, lẽ ra phải hướng về trẻ em. Khỗ nỗi các nhà làm phim HHVN có lẽ không chịu thử tự đặt câu hỏi trẻ em thực sự trông chờ và đòi hỏi gì ở một bộ phim HH. Kho tàng phim hoạt hình thế giới rộng lớn là vậy, nhưng xem ra các nhà làm phim HHVN vẫn chưa chịu học hỏi cách viết kịch bản sao cho vừa hấp dẫn vừa độc đáo (chứ không thể trông chờ mãi vào kho truyện cổ tích dân gian mãi được). Yếu tố sáng tạo, giải trí, thư giãn và hài hứơc ít khi được để ý đến. Thay vào đó, các nhà làm phim cứ nghĩ trẻ em chắc là “thích được dạy dỗ”, nên cứ nhất định đưa những bài học đạo đức vào phim. Thật ra việc làm này rất tốt và đáng hoan nghênh, nhưng “nhờ” được chuyển tải một cách khô khan gượng ép nên hiếm khi đến đựơc đối tượng trẻ em.
Gần đây, có tin “Việt Nam sẽ làm phim hoạt hình dài 100 tập” (VnExpress & báo Gia Đình Xã Hội). Đạo diễn Khải Hưng (Hãng phim truyện Việt Nam – VFC) cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm sản xuất phim hoạt hình VN sẽ cho ra đời bộ phim dài 100 tập về lịch sử VN. Trong khi điện ảnh, truyền hình chưa thể làm phim về đề tài này thì hoạt hình sẽ lãnh trọng trách đưa kiến thức về lịch sử dân tộc đến khán giả.” Đọc tin này mà Shmocker chẳng thấy vui, chỉ biết chắc hàng tỉ đồng sẽ lại bị uổng phí. Không biết làm sao mà Trung tâm sản xuất phim hoạt hình VN có thể tự tin như thế khi họ chưa thể làm một bộ phim lẻ cho đàng hoàng, hấp dẫn và thành công về doanh thu!?!
Bài báo còn trích lời một đạo diễn khác, cũng rất tự tin: “Chúng tôi sẽ không dừng lại ở phim hoạt hình cho trẻ em mà sẽ hướng tới đối tượng người lớn.” Chắc là họ sẽ làm được, và sẽ chẳng có khán giả, chỉ có họ ngồi coi với nhau. Họ chẳng phải là “người lớn” đó sao?
Cũng như mọi sản phẩm khác, khán giả chỉ xem/mua hoạt hình khi nhu cầu của họ được thoả mãn. Có lẽ đã đến lúc các nhà làm phim hoạt hình VN chịu lắng nghe nhu cầu của các khán giả nhỏ tuổi, trước khi bỏ tiền (thường là tiền tỉ của Nhà nước) và công sức ra làm những phim chỉ để chiếu (trên TV) một lần rồi xếp xó, chờ kinh phí làm phim tiếp theo!
SHMOCKER (phimhoathinh.com) 21/01/2005
Có tham khảo bài báo [http://www.vnexpress.net/Vietnam/Va…])
2003-2023