Văn Hóa – Giải Trí
Thứ Hai, 27/06/2005, 20:39 (GMT+7)
Rập rình phim dán nhãn
Phim Đẻ mướn sẽ hạn chế khán giả dưới 18 tuổi?
Sau khi đạo diễn Lê Bảo Trung hé lộ việc sẽ đề nghị “hạn chế khán giả dưới 18 tuổi” xem bộ phim Đẻ Mướn (đang quay, sẽ công chiếu vào dịp Tết 2006) thì đạo diễn Bá Vũ (phim Khách sạn không đèn) cũng có ý định “hạn chế khán giả dưới 13 tuổi” xem bộ phim đầu tay của mình.
Những ý định này được xem là lần đầu tiên trong điện ảnh Việt, trong khi nó đã được áp dụng từ rất lâu trên trên thế giới.
Trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ, cơ quan Phân loại và Quản lý loại phim CARA (The Classification & Rating Administration) giám sát việc này rất gắt gao.
Thông thường có 5 loại nhãn được dán cho phim (kể cả phim phát hành rạp hoặc phát hành băng đĩa gia đình): phim cho phép phổ biến rộng rãi được dán nhãn G (General Audiences), hạn chế nhè nhẹ là loại phim, có thể không thích hợp với trẻ em dán nhãn PG (Parental Guidance suggested), cảnh báo nặng hơn một chút là loại nhãn PG-15 (Parents Strongly Cautioned) không nên dành cho trẻ dưới 13 tuổi, thêm “độ” là nhãn R (Restricted) dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người lớn đi cùng, và loại không dành cho người vị thành niên NC-17.
3 bộ phim nhập khẩu đang bị “ách” lại vì “hạn chế khán giả” là:
Blueberry (phim Pháp, Mexico và Mỹ hợp tác, hãng Thiên Ngân nhập):Bị CARA dán nhãn R vì các yếu tố bạo lực, tình dục và ma túy.
Constantine (phim Mỹ, hãnh BHD nhập): Bị CARA dán nhãn R vì các yếu tố bạo lực và ma quỷ (phim ma cà rồng).
Collateral (phim Mỹ, hãng Visionnet nhập): Bị dán nhãn R vì yếu tố bạo lực và ngôn ngữ.
Trước đó hãng Thiên Ngân cũng không được phép phát hành The Eye (phim Đài Loan) vì yếu tố kinh dị.
Lý do để dán nhãn hạn chế theo giám sát của CARA tập trung vào các lĩnh vực tình dục, bạo lực, tôn giáo, ở cả hình ảnh, đề tài và ngôn ngữ: Cách dán nhãn của CARA đôi khi cực khắt khe: bộ phim Người Mỹ trầm lặng chiếu thoải mái ở VN 2 năm trước bị CARA dán nhãn R vì yếu tố bạo lực (thực ra là những cảnh chiến tranh, có máu me, đạn nổ ) Cứ theo cách phân loại và dán nhãn của CARA thì trên thị trường chiếu phim ở ta có không ít phim cần dán nhãn.
Hai, ba năm trở lại đây, khi thị trường rộ lên những làn sóng phim nhập, và bây giờ ào ạt phim nội, không chỉ ào ạt về số lượng mà còn ào ạt các thể loại, các đề tài, trong đó có không ít thể loại và đề tài “mạnh bạo”: phim hành động, phim kinh dị, phim về sát thủ hàng loạt, phim về geisha, về gái nhảy , câu chuyện liên quan đến dán nhãn phim bắt đầu được đặt ra một cách nghiêm túc từ một người nước ngoài.
Cựu giám đốc điều hành cụm rạp Diamond Cinema ở TP. HCM, một chàng trai người Hán, đã “phát hiện” ra chữ R trên poster quảng cáo phim Người Mỹ trầm lặng, anh cũng là người phản ứng khá gay gắt chuyện 2 đứa trẻ phải với tay mới tới quầy vé dắt tay nhau vào rạp xem Gái nhảy! Nhưng rốt cuộc, nhập gia tùy tục, chính Diamond cũng “mở cửa” chiếu Người Mỹ trầm lặng và cả Gái nhảy.
“Mở cửa” rạp nên khâu kiểm soát gần như được đặt trọn gói lên vai hội đồng kiểm duyệt. Khắt khe ra, thì hoặc không cho phép phát hành (đối với phim nhập khẩu), hoặc cắt (đối với phim sản xuất trong nước). Còn thoáng thì rất thoáng, như bộ phim xoay quanh anh chàng trai lơ chuyên đi tán tỉnh phụ nữ (Tay chơi hết thời) hoàn toàn không thích hợp cho trẻ em nhưng vẫn chiếu rộng rãi.
Phim Người Mỹ trầm lặng chiếu thoải mái ở VN 2 năm trước bị CARA dán nhãn R vì yếu tố bạo lực
Một giám đốc hãng phim tư nhân mong mỏi: Chỉ mong phim phát hành được dán nhãn chuyên nghiệp như nhiều nước đã làm để tránh những phim khán giả khu vực được xem mà khán giả VN lại không được chỉ vì phim không dành cho khán giả dưới 17 tuổi. Đấy là đối với phim nhập khẩu, còn phim nội, không ít nhà làm phim tư nhân lo ngại cơ chế duyệt phim đối với phim tư nhân hiện nay là duyệt thành phẩm (phim đã hoàn thành) chứ không duyệt kịch bản, nếu phải cắt bỏ những cảnh, chi tiết không thích hợp với khán giả rộng rãi thì không chỉ tốn kém mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự toàn vẹn của phim.
Phần lớn cảnh quay của nghệ sĩ Như Quỳnh trong bộ phim Những cô gái chân dài phải cắt bỏ khiến logic chuyện phim bị gãy đổ cũng chính vì nhận xét “chi tiếc hơi quá bạo lực” của một thành viên hội đồng nghệ thuật. Trong khi đó bộ phim mới nhất có Tom Cruise thủ vai chính, Collateral, được công chiếu trên toàn thế giới nhưng có thể sẽ bị “cấm cửa” ở VN!
Nếu chuyện phân loại và quản lý phát hành phim cứ mãi rập rình, thị trường chiếu bóng sẽ bị thắt chặt ở nhiều chỗ song lại mở tung ở nhiều chỗ khác – mà chỗ nào cũng có mặt trái của nó. Chưa nói tới chuyện không ít kẻ nhân lúc tranh tối tranh sáng này gây thêm tò mò bằng cách tung hỏa mù “hạn chế khán giả” (thực tế đã cho thấy càng bị cấm đoán, chê trách, tác phẩm càng ăn khách, bán chạy vì số đông muốn thỏa mãn trí tò mò).
Theo Thể thao và Văn hóa
* Bà Nguyễn thị Hồng Ngát, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh VN: “Đề nghị hạn chế khán giả là ý muốn của đạo diễn (phim Đẻ mướn và Khách sạn không đèn), hiện nay cả hai cũng chưa có phim để trình duyệt và được hay không thì phải qua Hội đồng duyệt.
Theo tôi được biết, trừ trường hợp duy nhất là một bộ phim mà sau khi xem xong cả 11 thành viên hội đồng duyệt đều thấy là quá kinh dị, không tán thành cho phát hành, còn lại chưa có phim nào nhập mà hội đồng duyệt không cho qua”.
* Ông Lưu Danh Hùng, Giám đốc Fafilm VN: “Hội đồng duyệt hiện nay rất thoáng, nếu phim không rơi vào mấy trường hợp: bôi đen chế độ, chia rẽ sắc tộc hay tôn giáo nhìn chung là không cấm. Ngay cả một số phim hành động đẫm máu, tùy từng phim cụ thể vẫn cho phát hành. Hiện nay lượng khán giả xem phim còn ít, hạn chế khán giả trong tình hình hiện nay theo tôi là chưa được. Hạn chế khán giả nhưng thực tế có kiểm soát được không? Bóng đá thiếu niên bây giờ còn ăn gian tuổi được Còn nếu không kiểm soát được, có khi lại chỉ gây thêm tò mò ”
2003-2023