Dạo này cứ hay xem phim với cái thói ngoa ngoắt xéo xắt của kẻ đã kiệm tiền lại hay tiếc việc, phỉ phui chỉ vì mấy đồng và mấy tiếng đồng hồ của cuộc đời mình mất xừ trong rạp tối, mà quên đi cái hạnh phúc chứa chan của việc được vục mặt mê man vào một mớ chữ lang băm viết thoắng ngay sau đó. Thế nên tôi cứ ì ra như lừa suốt mấy tháng liền không nặn nổi lấy một chữ. Nhưng tất nhiên, cuộc đời xem phim của tôi cũng giống như một bộ phim, tôi sẽ gặp nhiều thử thách trắc trở nhưng vẫn sẽ điềm đạm vượt qua bao sóng gió để giữ mãi mộng đẹp thuở ban đầu. Nếu cứ theo ví von thế mà tính, cái sườn kịch bản dài 120 phút, thì vào phút thứ 30 chắc chắn sẽ có một Vụ Việc Lớn trân trọng xảy ra, đẩy nhân vật xưng tôi chúi nhủi khỏi thế giới thường thức, khỏi ý thức hệ lệch lạc, và bắt hắn phải cật vấn các thói hư tật xấu đang ăn mòn dần ý-chí-hướng-thiện-viết-lách-không-vì-tiềncủa mình. Đó là việc đi coi V for Vendetta.
V for Vendetta
Dán nhãn R, dài 132 phút, một xuất phẩm của anh em nhà Wachowski, trong vai trò biên kịch và nhà sản xuất; vì đạo diễn không ai khác chính là con đỡ đầu của họ, phó đạo diễn thứ nhất của Matrix toàn tập James McTeigue, và diễn viên chính không ai khác lại là Hugo Weaving, người từng ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi trong Ma trận với vai Agent Smith, hay quyền uy lẫm liệt với vai lãnh chúa Elrond trong Chúa tể của nhẫn. Lần này Weaving không mang tóc bạch kim dài tha thướt, cũng không đeo kính râm miệng lầm bầm tên Neo, mà sắm mặt nạ trắng nhăn nhở cười và dùng rất nhiều từ có tầng số sử dụng thấp trong tiếng Anh, bắt đầu bằng chữ vờ, để giới thiệu thân thế của mình. Trên nền thế giới trong tương lai, khi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của y đang đắm chìm trong nội chiến, và các bọn thực dân phong kiến, tư sản mại bản khác đang lau nhau trong dịch bệnh, chỉ có Việt Nam ta là ô-kê, vì a) ta vẫn còn theo chủ nghĩa xã hội ưu việt và b) ta là cường quốc về đạo lý, như Marx và ca dao mới đã đúng đắn nhận định. Tiếc một nỗi, hai anh em nhà Wachowski không xin được giấy phép quay phim có đề tài tuyên truyền đảo chính, cũng như có gan trời cũng không dám hiệu quả điện ảnh mà cho nổ tung Phủ Chủ tịch, nên đành ngậm ngùi sang Anh đặt bối cảnh và máy quay, ít ra cũng được an ủi là về mặt lô-gic, Anh là đảo quốc nên được miễn nhiễm đại dịch (vi-rút không biết bơi), cộng với kho tàng ca dao và truyện cổ tích của mình (Cô bé lọ lem chẳng hạn), nên cũng rất chí lí khi Anh đột nhiên trở thành “cường quốc đạo lý”, đánh bại vai trò độc tôn tên sen đầm quốc tế của Mỹ (dì ghẻ)
Mở đầu của V for Vendetta là cảnh một người cách mạng trước giờ xử tử, mặt trùm kín, lời dẫn truyện đại khái rằng đằng sau các cuộc cách mạng, đằng sau cái mặt nạ không phải là một con người mà là một chính kiến, một lí tưởng, vì con người sẽ chết đi nhưng lí tưởng thì sống mãi. Điểm lại một chút lịch sử cách mạng Anh sẽ làm rõ hơn đoạn mở chuyện ngắn ngủi đuốc đèn mờ mịt này: Remember, remember, the fifth of November, ngày 5 tháng 11 năm 1605, Guy Fawkes và nhóm nổi dậy đạo Công giáo phải lên đoạn đầu đài vì âm mưu đảo chính thất bại: cho nổ điện Westminster + Toà nhà Quốc hội + Lưỡng viện để lật đổ vua James I và chính quyền Anh giáo sau khi vua Henry VIII cưới nhiều vợ quá và li dị tá lả mà Giáo hội Công giáo ở Rome hổng cho, pa này bèn li khai với Rome vào năm 1534, từ đó Anh có chính trị riêng và nhà thờ riêng, công khai đối đầu với Rome.
Nhân vụ hành hình này, Đức Ngài Salisbury, thủ tướng của quân chủ lập hiến Anh lúc bấy giờ, bèn quy kết Guy Fawkes vào tội khủng bố mà thanh trừng tất cả các phần tử theo đạo Công giáo ở Anh, tạo nên một trong những làn sóng đàn áp khủng bố đẫm máu nhất lịch sử.
Quay trở lại hiện tại, V (do Weaving thủ vai) có thể gọi là một tên khủng bố, hành tung bí hiểm, phản động, vô chính phủ. Nhưng cái chính phủ của Anh bấy giờ đã trở thành độc tài chuyên chế, đàn áp các thành phần có thể nguy hại đến an nguy và đạo đức xã hội như các nhà hoạt động công đoàn, giới văn nghệ sĩ, giới đồng tính luyến ái Bằng cách gợi nhắc lại the fifth of November, quá khứ đấu tranh sôi sục của quân và dân Anh quốc, V dần dần gầy dựng lực lượng nổi dậy của mình, đỉnh điểm là cuộc cách mạng triệt để ngày 5 tháng 11, một năm sau ngày V đột nhập và chiếm đài truyền hình của chính phủ trong vài phút. Chuyện phim diễn ra vào khoảng thời gian một năm đó. Trong bối cảnh ngột ngạt bức bối của giờ giới nghiêm và các vụ bắt bớ truy lùng, Evey (Natalie Portman), với cha mẹ là phần tử phản động và mối liên hệ vô tình với V, nổi lên như một cái gai trong mắt nhà cầm quyền, và chuyện gì đến phải đến Nhìn cảnh Evey đào hoen quẹn má liễu tan tác mày để rồi đau đớn chuyển hoá thành một thành trì của lí tưởng, của cách mạng, dưới sự dìu dắt của V, khơi gợi nhiều suy nghĩ lành mạnh và hướng thiện trong tôi. Thật là một phim có tính giáo dục cao, đáng gỡ nhãn R cho các em nhỏ được dịp mở mang tầm mắt! Tính cách trưởng thành trong giông bão như một ai đó đã nói, và lí tưởng được hun đúc từ những ngày tháng đen tối nhất, Evey đang chứng tỏ mình là một kẻ thừa tự chuyên chính của nhà cách mạng V.
Phim dĩ nhiên hay hơn lời tôi kể, vì có bàn tay phù thuỷ của băng nhóm Wachowski. Vì công tác quảng bá, bộ phim được biết đến nhiều hơn như một tác phẩm sci-fi của hai thằng cha làm Matrix, có Natalie Portman cạo đầu trọc lóc đi bêu rếu các cấp chính quyền già cả. Quảng cáo lem nhem thế nên suýt chút nữa là tôi đã không đi coi. May sao, nếu de lại đến phút 15 của cuộc đời xem phim của tôi, lúc Chất Xúc Tác trân trọng xảy ra, thì sẽ thấy
R for Ritalee!!!
Ritalee giống T., người em họ của tôi một cách kì lạ. Tôi hay nhìn tấm hình em chụp chung với anh chuotkhongduoi mà mường tượng thế giới nội tâm của em qua những gì tôi biết về T. Em có một vẻ gì rất tỉnh táo, rất ý thức về cái nhìn của người khác lên chính mình. Nhưng trông em nhiều tâm sự. Em sẽ còn lớn và trưởng thành hơn nữa, những âu lo hiện tại rồi sẽ như gió thoảng mây bay, như khói hương tiêu sái, như hơi rượu phôi pha. Khi nhìn lại, có khi em sẽ bật cười. Nhưng chỉ mình em được cái quyền đó! Những người lớn hơn, như tôi, chỉ nên lặng yên nhìn em cười và nghĩ về những ngày đã qua.
R còn là Respect nữa. Người ta hay nói, kính trên nhường dưới, không ai nói kính cả trên lẫn dưới cả. Sai! Sai phè phè, sai tè le! Em dạy tôi rất nhiều, mặc dù tôi và em không nói với nhau nhiều như thế. Và tôi luôn trân trọng em như một người bằng vai phải lứa! Tính cách trưởng thành trong giông bão, em hãy tự tin mà phó mặc cho những trải nghiệm có thể làm tâm hồn mình sầy sẹo. Nhưng, con trai mở lòng mình cho cát sạn xót xa, một ngày nào đó, em sẽ có ngọc!
Tôi coi V for Vendetta lại không chắm chú nhiều lắm vào những chủ đề mang tính chính trị của nó. Những gì giới thiệu ở trên chỉ là giới thiệu, giống như nói đến bánh mì chả lẽ lại kể lể mắm tôm? À thì ra phải nói chuyện bột mì, lò nướng, nhiệt độ nướng, và thằng cha phễnh bụng nướng bánh mì. Chuyện phim đối với tôi là một ẩn dụ về những gì những người trẻ phải trải qua để đạt đến cảnh giới tối cao, và ý tưởng lãng mạn về một người dẫn dắt. Trong phim có liên tục nhắc tới một phim khác, Bá tước Monte Cristo, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của văn hào Alexandre Dumas, kể về một chàng thuỷ thủ trẻ, chân thật, giỏi giang, với một tình yêu trong sáng, nhưng những ghen tuông của người đời đẩy chàng đến tột cùng của bất hạnh, khi chàng bị oan tù và gặp một người dẫn dắt biến chàng thành một người hoàn toàn khác trong suốt những năm tháng tù ngục. Chàng trốn thoát một ngày nọ, thừa kế gia tài đồ sộ của ông, trở về quê nhà và trở thành một huyền thoại của châu báu, của sắc xảo và bặt thiệp. Chàng bắt đầu trả thù, lần lượt từng người một, cho đến một ngày chàng nhận ra tất cả chỉ là hư ảo, rằng tình yêu xoá nhoà thù hận, rằng chỉ có chờ đợi và hi vọng mới nuôi sống chúng ta.
Vendetta có nghĩa là sự trả thù, nhưng kết thúc phim không hề có vị mặn chát của bất kì sự ăn miếng trả miếng nào. V có lẽ là Victory, là chiến thắng, khi người trẻ đã trở thành người của lí tưởng và ra đi thực hiện cuộc cách mạng của chính mình. Còn R, là Ritalee, là Respect, mà cũng có lẽ là Revolution. Ở đây tôi cần nói thêm đôi dòng về Revolution, về cách mạng. Nhiều khi bị “bánh đúc nhét cổ vịt” nhiều quá về lịch sử Việt Nam, có lúc một số người nhìn từ “cách mạng” bằng một cặp mắt nghi ngại. Nhưng đối với tôi, “cách mạng” đồng nghĩa với lãng mạn. Cách mạng là một sự thay đổi, là ước ao cho một sự thay đổi và dạt dào cảm hứng để thay đổi. Có những cuộc cách mạng của những người tư sản, của dân bohemian, của những sinh linh trong thế giới ngầm, của người đồng tính, của phụ nữ, của các nhà làm vườn, của tàu hoả và máy hơi nước. Làm cách mạng là thường trực sống trên thớt dưới dao, là rít một hơi thuốc dài, phả vào thinh không và biết mình có thể biến mất nhanh hơn khói thuốc, là biết rõ rằng đằng sau mặt nạ không phải là một con người mà chỉ là một lí tưởng, là sẵn sàng chết vì một niềm tin. Đó chẳng phải là một sự gì lãng mạn lắm sao? Tuổi trẻ đầy những cuộc cách mạng như vậy trong cuộc đời họ, lớn, vừa, nhỡ nhỡ, nhỏ, nghiêm túc, nhảm như tấm thảm, thành công, rất thành công, hay là thất bại mà lại còn bị ba má cấm túc cho hai tuần nữa. Và cũng giống như Evey, Ritalee là kẻ thừa tự chuyên chính của tất cả những ý tưởng khùng điên, vô tư và vô lo, đáng yêu và đáng trân trọng nhất của tuổi trẻ. Mong em tìm được “người dẫn dắt” như V, mong em có được sự can đảm như Evey. Sau khi đi qua những thử thách, em sẽ chỉ huy một cuộc cách mạng cho riêng mình. Remember, remember, the fifth of November, Ritalee!
Mừng em sinh nhật một ngày đầu xuân trời ấm lạ thường.
– athospk
2003-2023