Ngày nay khi mà truyền hình đã quá phổ biến với mọi người, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin liên lạc đến độ chóng mặt, thì quảng cáo trên truyền hình cũng dần trở thành một ngành công nghiệp bộn bạc. Bạn cho rằng đang lạc đề ?
Trước tiên, cần xác định rõ phim quảng cáo cũng là một hình thức đặc biệt của điện ảnh, hay có thể hiểu là phim cực ngắn. Bởi vì thực hiện một đoạn phim quảng cáo cũng yêu cầu tất cả các điều kiện của phim bình thường từ đạo diễn, kịch bản, diễn viên, phân cảnh v.v… Một phim quảng cáo thành công chính là phim mà sau khi khán giả xem xong, dù chỉ là một đoạn phim ngắn ngủi chưa đầy 2 phút, vẫn có thể nhớ bất cứ lúc nào. Cũng chính vì thế mà làm phim quảng cáo cũng chẳng dễ dàng tí nào. Các doanh nghiệp có thể tăng doanh thu một cách nhanh chóng và dễ dàng “gỡ” lại số tiền đầu tư cho quảng cáo, và ngược lại, cũng có thể tốn tiền quảng cáo một cách vô ích, hay tệ hại hơn làm cho khán giả …ghét luôn sản phẩm đó – vì phim quá tệ !
Một phim quảng cáo muốn đạt được thành công, phải đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Cần phải có một đạo diễn giỏi, vừa có đầu óc kinh tế và kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo. Diễn viên tuy không đòi hỏi phải có trình độ diễn xuất cỡ Tom Hanks hay Julia Roberts mà chỉ cần có một ít khả năng và quan trọng hơn hết là một ngoại hình phù hợp – ở đây là phù hợp chứ cũng chẳng nhất thiết phải xinh đẹp, dù càng xinh đẹp thì hiệu quả càng cao (!) Yếu tố quan trọng cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất quyết định sự thành-bại của phim quảng cáo chính là sự sáng tạo. Thiếu điều này, một đoạn phim quảng cáo sẽ bị quên lãng một cách nhanh chóng vì cứ đi vào lối mòn của những phim khác.
Một điều đáng buồn là hầu như bạn xem một đoạn phim quảng cáo nào hay thì đó …không phải là của công ty Việt Nam thực hiện. Hoặc đó là quảng cáo của nước ngoài, hay khá hơn là quảng cáo của Việt Nam nhưng phải có hỗ trợ – liên doanh với nước ngoài. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Các công ty quảng cáo của Việt Nam không thể nào cạnh tranh được với nước ngoài. Với cơ sở vật chất kĩ thuật quá kém, ta chỉ có thể làm được những mẫu quảng cáo đơn giản, nhàm chán. Cũng đúng thôi vì một chiếc máy làm kĩ xảo tốn đáng hàng trăm ngàn đô thì khó mà với tới được, hay đơn giản hơn là một chiếc máy quay kĩ thuật cao có thể ghi những hình ảnh chậm nhất thì cũng là một chuyện quá khó khăn. Nhưng nếu đỗ hết vào cơ sở vật chất thì cũng chưa đủ: sự thiếu sáng tạo. Với chút xíu “kinh nghiệm” xem quảng cáo trên truyền hình, tôi hay bạn đều có thể dễ dàng nhận ra quảng cáo của các sản phẩm Việt Nam quá tệ hại, nhố nhăng và …lố bịch. Chẳng có một tí xíu ấn tượng ngoại trừ ghét luôn sản phẩm đó, công ty đó. Bạn đếm được bao nhiêu mẫu quảng cáo của Việt Nam hay ? Hơi ít !? Hay đúng hơn quá ít !!! Thật sự nước ta không thiếu những người tài, nhưng lớp trẻ thì ít có cơ hội, những người lớn hơn trong ngành phim quảng cáo thì quá đi vào khuôn phép, sự rập khuôn và có một cái nhìn quá thiển cận, không kết hợp được phim quảng cáo và điện ảnh.
Thực tế tôi có sở thích xem quảng cáo trên truyền hình. Có những quảng cáo cực kì hay dù tôi chưa hề mua sản phẩm đó (thậm chí chưa nhớ rõ tên !), nhưng vẫn nhớ mãi. Trong số đó có thể kể đến Heineiken – thật ấn tượng. Một chàng trai bước vào quán kêu một ly bia, ngoài trời mưa bão sấm sét. Đột nhiên cúp điện, và chỉ vài khoảnh khắc sau điện có trở lại thì ly bia đã cạn. Anh chàng này nhìn sang anh chàng cạnh bên. Lúc này anh chàng kế bên có một sự biểu tả trên khuôn mặt rất hay, khiến tất cả từ diễn viên đang đóng tình huống đó đến người xem đều bị ngộ nhận. Nhưng thực tế là cô gái ngồi bên cạnh. Thật ấn tượng và sáng tạo ! Hay một quảng cáo của “hàng Việt Nam chất lượng cao” cũng khá hay là Bitis’s “Nâng niu bàn chân Việt”. Phim chỉ chiếu những bàn chân của Âu Cơ – Lạc Long Quân, nghĩa quân Tây Sơn, các chiến sĩ hành quân Trường Sơn và cuối cùng là bước nhảy của một vận động viên thể thao. Chiều dài của lịch sử Việt Nam được thể hiện một cách vừa đầy đủ vừa đơn giản ngắn gọn chỉ trong một đoạn phim chưa đầy 2 phút nhưng cũng đủ đem đến cho người xem một ý niệm: “giày của người Việt Nam”. Cũng hay chứ phải không bạn ??? Ngoài ra còn có nhiều phim khác rất hay như Nescafe, AIA, Prudential, Vedan, Cocacola v.v… mà nếu kể hết từng cái chắc phải tốn khá nhiều giấy mực !
Trái ngược hoàn toàn, cũng có những quảng cáo thật nhố nhăng, tệ hại… chẳng những không đem đến một chút ấn tượng mà còn đem đến một sự ghê sợ, kinh khiếp. Nhất là các phim quảng cáo thuốc trị ghẻ lở, tự dưng mở trên màn hình những cảnh ghẻ lở dơ bẩn gớm ghiếc, đọc một loạt công dụng rồi …dĩ nhiên “Đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng” (!!!). Hay cứ quảng cáo theo kiểu “khoe” hàng loạt các công dụng, rồi hiện các câu script quá nhàm và cũ rích giống nhau như “X của thời đại”, “Y của mọi nhà” vân vân và vân vân… Cũng có một số phim “tiếp thu” những thành công của phim khác. Điển hình như Bibica hay một số sản phẩm khác sáng tác – “cải biên” ca khúc cho phim quảng cáo. Nhưng đáng buồn cười là nếu như nghe ca khúc của Nescafe hay Anpenlibe (??) thật hay thì các bài hát này lại tệ không thể tả… Cũng tiếp tục theo lối mòn xưa cũ, lời bài hát cũng chỉ ca ngợi về sản phẩm, hay “vô duyên” hơn là bài hát Alibaba được Bibica “chế” lại nghe nhí nhố, và một sự thiếu nghiêm túc rõ ràng.
Bàn về phim quảng cáo thì còn rất rất nhiều. Chẳng phải lần họp MB đầu tiên các admins cũng đã phải tốn cả buổi để “cãi” về chủ đề này. Vì vậy trong khuôn khổ một bài viết không thể nói hết được. Âu cũng chỉ đem đến cho các-bạn-chưa-biết một cái nhìn về phim quảng cáo và cũng mong rằng để cho các công ty quảng cáo của Việt Nam đọc được để thay đổi tầm nhìn ấu trĩ của mình. Xin chào !
Người-chưa-biết-gì-về-kinh-tế
NV: mong rằng các bạn comments cho bài viết của tui để còn hứng thú đóng góp thêm cho MB…
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.